Tào Phi là một người văn võ song toàn
Năm 220 công nguyên, vương triều Đại Hán do Hán Cao Tổ Lưu Bang lập nền tảng, Quang Vũ Đế Lưu Tú phục hưng truyền thừa tới năm 422 thì cuối cùng cũng diệt vong. Thay vào đó, con trai Tào Tháo là Tào Phi khởi lập ra chính quyền Tào Ngụy. Phải nói rằng Tào Phi có thể kiến quốc lập nghiệp, có tiếng là hoàng đế lập quốc trong lịch sử Trung Quốc như vậy thì phải cám ơn phụ thân ông là Tào Tháo đã để lại gia nghiệp to lớn ấy.
Tuy nói là vậy nhưng Tào Phi cũng chẳng phải là người vô dụng. Về tài văn, Tào Phi năm 8 tuổi có thể viết văn, có tài năng, từng đọc hết sách kinh truyền lại của các vị hiền tài đời trước, ông cùng với cha mình là Tào Tháo và em trai là Tào Thực được mệnh danh là “Tam Tào” với tài hoa hơn người, ngang hàng với nhóm đại thi hào Kiến An Thất Tử.
Tào Phi là một người văn võ song toàn khi 8 tuổi đã giỏi cả văn thư lẫn võ nghệ.
Nói về thành tựu, từ nhỏ Tào Phi đã sống trong quân doanh của Tào Tháo, 8 tuổi đã có thể ngồi vững trên lưng ngựa phi giương cung trái phải, hơn nữa còn có thể bắn chuẩn xác vào bia bắn. Năm 197, Trương Tú đầu hàng quân Tào, Tào Phi khi ấy mới 10 tuổi với thân thủ và bản lĩnh bắn cung này xông ra ngoài khu bao vây. Trong tác phẩm “Điển luận - Tự thuật” của mình, ông càng tự hào hơn khi nói về chiến tích của mình và anh họ trong tộc Tào Chân khi ở Nghiệp Thành, dùng thời gian 1 ngày săn được 9 con hươu nước và 30 con thỏ hoang.
Ngoài ra, Tào Phi còn luyện nhiều loại vũ khí như đao, thương, kiếm, kích,… còn mời cả những người có kiếm thuật đỉnh cao như Vương Việt, đại sư chuyên dùng kích như Viên Mẫn chỉ dạy cho mình. Như thế có thể biết rằng võ nghệ của ông cao cường đến mức nào. Trong sách sử có ghi chép, Tào Phi từng trong những yến tiệc còn từng 3 lần thi đối kháng võ thuật với những vị đại tướng uy mãnh như Đặng Triển - người tinh thông 5 loại vũ khí dao găm, thù, xà mâu, giáo, đao và lần nào cũng có thể dễ dàng đánh bại đối phương.
Cuộc chiến tranh ngai vàng với huynh đệ dẫn đến mất lòng tin với người thân
Đương nhiên, người bình thường có thể nhớ tới Tào Phi, chủ yếu là vì cuộc tranh giành ngai vàng với em trai Tào Thực cùng bài thơ 7 bước nổi tiếng khắp thiên hạ của mình. Từ một mức độ nào đó, vì sự cạnh tranh quyền lực giữa huynh đệ đã khiến Tào Phi sản sinh ra sự cảnh giác với những thứ tình cảm tình thân ruột thịt này.
Thế nên sau khi đăng cơ, ông đã tiến hành giám sát nghiêm ngặt đối với những người thân thích của mình. Việc lớn việc nhỏ trong nước đều do sứ giả giám quốc đặc phái phụ trách xử lý, vua không triệu hồi thì không được phép vào kinh, phạm vi săn bắn không được phép vượt quá 30 dặm, bộ đội bộ hệ chỉ cấp cho 20 người, hơn nữa còn đều là những người già yếu bệnh tật, ở một nơi đủ 3 năm thì sẽ phải chuyển chỗ ở tới nơi khác.
Tào Phi không hề tin tưởng người thân và có lòng hoài nghi người nhà đặc biệt.
Những biện pháp như thế này quả thực có hiệu quả ổn định tình hình chính trị đối với đất nước mới thành lập như Tào Ngụy nhưng lại quá mức cần thiết. Tuy rằng như thế có thể đảm bảo việc truyền thừa quyền lực cho dòng dõi của mình nhưng lại làm giảm đi khả năng phòng ngự trung ương của vua, khiến hoàng thất bị cô lập không có cứu viện, cuối cùng lại bị người khác lợi dụng sơ hở. Trên thực tế, chỉ kiểm soát nghiêm ngặt tông thất là không đủ, Tào Phi thiếu mất sự nhạy bén của phụ thân Tào Tháo của mình, muốn thừa kế phụ thân thậm chí là chiếm nhà Hán xưng đế vẫn cần phải có sự ủng hộ trung tín của đại tộc thế gia.
Thế nên, “cửu phẩm trung chính chế” (chế độ quan lại thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều) cũng ra đời từ đây. Cũng chính chế độ như thế đã tạo ra đời sống chính trị “thượng phẩm không sợ nghèo, hạ phẩm không có thế lực” đồng thời kéo dài hơn 400 năm cho tới Võ Tắc Thiên - người được coi là “vương bài” của người nghèo, đã hủy bỏ hoàn toàn chế độ này. Nói tóm lại, Tào Phi đã dùng tất cả mọi thủ đoạn, cuối cùng đã đứng vững trên ngai vị.
Tào Phi và ba lần chinh phạt Đông Ngô đi vào lịch sử
Trong tài liệu sử học có ghi chép, năm thứ 3 sau khi Tào Phi xưng đế đã phát động hành động quân sự tiến đánh Tôn Quyền. Nhưng lần này lựa chọn thời điểm không chính xác, vì bấy giờ Đông Ngô đã đánh bại Lưu Bị, hoàn toàn kiểm soát thành Bạch Đế và phòng ngự Hình Châu với tư cách chủ nhà. Loại bỏ được 2 tuyến tác chiến có khả năng tồn tại, Tôn Quyền đã đem nhiều binh lực hơn để đối phó với Tào Phi, quần Tào lần nữa thua đậm ở Bắc Hoàn. Nhưng Tào Phi không từ bỏ, lại liên tục phát động 2 lần chinh phạt.
Điều khiến mọi người thắc mắc là trong 2 lần chinh phạt này, ông đã thay đổi tuyến đường tiến binh dọc ven Hoài Nam như thời Tào Tháo, ngược lại đem chủ lực dùng ở mặt Quảng Lăng. Phải biết là, cửa ra biển của sống Trường Giang thời Tam Quốc vẫn chưa phải là Đông Di, do Kim Trấn Giang từ đây sang bờ bên kia cần đi chèo thuyền 40 dặm. Gió to sóng lớn, không an toàn thuận tiện bằng việc qua sông từ Vu Hồ và Đương Đồ.
Hơn nữa, thủy quân Đông Ngô thời Tôn Quyền vô cùng hùng mạnh, không phải là đội quân mà thủy quân của quân Tào có thể đánh lại lại được. Rất nhiều vị đại quan thần nhà Tào nghĩ tới nghĩ lui mà vẫn không thể hiểu được rốt cuộc thì Tào Phi tính toán thế nào?
Theo quan điểm ngày này, người mà Tào Phi muốn đối phó không phải là Tôn Quyền mà là đám hào cường Thanh Từ dẫn đầu là tên Tang Bá. Vì Tào Phi không thể quên một chuyện, đó là năm 220 khi Tào Tháo mới qua đời, Tào Phi vẫn chưa kế vị, sở bộ Tang Bá và binh lính Thanh Châu tưởng rằng thiên hạ sắp đại loạn, không xin phép mà tự động chạy trốn về quê nhà.
Trong thời phong kiến, bàn giao quyền lực luôn là giây phút vi diệu nhất. Thế nên hành động như thế giống như hành động của tên phản loạn, rất dễ gây ra sự hưởng ứng của các Hán thần chuyên quyền bất mãn của nhà Tào, kích động lên thay đổi kịch liệt trong hệ thống trung khu. Khi vừa mới kế vị, nền tảng của Tào Phi không vững nên ông nhịn. Nhưng bây giờ thì không cần nữa, quyền hành chính trị trong nước đều nằm trong tay ông, Thục Hán có phản loạn ở Nam Trung cần xử lý, Đông Ngô có Sơn Việt cần dẹp loạn. Thời gian chẳng chờ đợi ta, xử lý lúc này chính là thời cơ tốt nhất.
Khi vừa mới kế vị không lâu, Tào Phi phái Tào Hưu - người mà mình tin tưởng tuyệt đối tới trấn thủ ở Quảng Lăng, nói là để phòng bị Đông Ngô nhưng thực chất là đề phòng Tang Bá, chặt đứt mọi ý đồ liên lạc với Đông Ngô của hắn. Sau này, Tào Phi thăng liền 4 cấp cho Tào Hưu để quyền vị của ông cao hơn Tang Bá.
Hai năm sau, trong lần đầu tiên Tào Phi đem quân chinh phạt quân Ngô, Tào Hưu là tổng chỉ huy quân Đông Lộ, còn Tang Bá lại chỉ là một tên tướng quân dưới trướng của Tào Hưu. Tiếp nhận quyền chỉ huy cao nhất ở Thanh Từ, Tào Phi nghĩ có thể thu lưới được rồi. Thế nên vào một ngày trong tháng 8 năm 223, Tào Phi tổ chức một buổi đi săn ở Huỳnh Dương. Sau đó, đem quân mã tiến vào ranh giới Từ Châu. Thứ sử Tang Bá nghe tin liền đem binh mã trong tay mình lập tức đi nghênh chiến. Kết quả, Tào Phi thuận thế đem hắn về Lạc Dương. Từ đó về sau, tên đầu xỏ của hào cường Thanh Từ này không còn quay lại quân doanh nữa.
Trong sách sử có ghi chép, năm thứ hai sau khi Tào Phi xử lý Tang Bá xong, Tào Phi lại lần nữa đem quân xuống phía Nam. Lần này, Tào Phi đã tiêu diệt được nhiều tên tướng lĩnh hào cường địa vị thấp hơn Tang Bá ở Thanh Từ. Tuy nhiên, khi Tào Phi đang thỏa mãn trở về Lạc Dương, những tên hào cường Thanh Từ bất mãn vì bị cướp đi quyền lực đã phát động phản loạn. Điển hình như Thái Phương, Đường Tư ở Lợi Thành, Từ Châu. Và điều khiến Tào Phi vui mừng là khi Tào Phi còn chưa kịp ra tay thì trận phản loạn này đã bị quan sứ địa phương bình định. Lần này, Tào Phi dừng lại ở Từ Châu 2 tháng.
Tới tháng 10, Tào Phi đích thân dẫn quân tới Quảng Lăng bờ phía Bắc của sông Trường Giang. Hùng binh 10 vạn, đoàn quân dài đằng đẵng, quân Ngô đứng ở bờ đối diện nhìn thấy mà hốt hoảng mắt chữ O mồm chữ A. Đương nhiên, đám hào cường Thanh Từ ngu dốt gây loạn giờ mới càng hiểu thâm ý của Tào Phi, chỉ có thể ngoan ngoãn chấp nhận. Đến đây, tập đoàn võ tướng tung hoành Thanh Từ trong thời đại quần hùng hỗn chiến Đông Hán đều đã bị Tào Phi tiêu diệt tận gốc. Nhưng tuổi thọ của Tào Phi không dài, chỉ sống được tới 40 tuổi. Cũng tức là năm thứ hai sau khi xử lý xong binh biến ở Từ Châu, ông đã ốm bệnh mà chết.
Tại sao Tào Phi lại mất khi còn trẻ như vậy? Trong “Thế thuyết tân ngữ”, có một câu chuyện ám thị rằng Tào Phi bệnh nặng không chữa là vì sắc dục quá độ. Đại khái là mẫu thân của Tào Phi - Biện Thái Hậu tới thăm con trai đang ốm bệnh. Khi thăm con, phát hiện những cung nữ hầu hạ Tào Phi đều là những mỹ phi trước kia được Tào Tháo lúc còn sống sủng hạnh. Thân làm đế vương, lại không màng luân lý, Biện Thái Hậu lúc ấy đã mắng cho Tào Phi một trận.
Thực ra, tuy không loại bỏ nguyên nhân tửu sắc quá độ này nhưng chủ yếu vẫn là mấy năm này quốc sự trùng trùng và việc tranh giành đấu đá quyền lực chính trị đã tiêu hao sức lực của Tào Phi, đặc biệt là vấn đề diệt bỏ hào cường. Sử sách có ghi, trước khi Tào Phi lâm chung đã chọn lọc một cách tỉ mỉ được 4 vị đại thần, lần lượt là Tào Chân, Tào Hưu, Trần Quần và Tư Mã Ý.
Theo ông nghĩ, 4 người này đều là những trung thần đã trải qua kiểm nghiệm, đủ để đảm bảo huyết mạch giang sơn Đại Ngụy vững chắc. Nhưng điều đáng tiếc là 3 người đầu tiên mà Tào Phi phó thác lại qua đời quá sớm, chưa thể làm hết trọng trách mà Tào Phi giao. Còn người cuối cùng lại phụ lòng phó thác của Tào Phi, cuối cùng lại cướp đoạt hoàng triều Tào Ngụy.
Xem thêm